Tranh cãi và tác động Thành_phố_Hồ_Chí_Minh_5–2_Long_An_(2017)

Dư luận trong và ngoài nước

Những diễn biến trong trận đấu đã tạo ra nhiều luồng tranh cãi trong dư luận.[31] Huấn luyện viên Ngô Quang Sang của đội Long An cho rằng trọng tài đã làm sai lệch kết quả trận đấu, đồng thời nhận định bóng đá Việt Nam sẽ không bao giờ phát triển được nếu vẫn còn hiện tượng như vậy.[32] Còn huấn luyện viên Alain Fiard thì cảm thấy sốc khi chứng kiến những gì xảy ra trong những phút cuối trận, ông cho rằng đây là lần đầu tiên ông chứng kiến hiện tượng này.[33] Chủ tịch câu lạc bộ Long An khi đó Võ Thành Nhiệm cho biết ông "không thể chịu nổi" cách điều hành "có vấn đề" của tổ trọng tài làm việc ở trận đấu này.[34] Lê Công Vinh, với vai trò là lãnh đạo của câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh, thì lên tiếng xin lỗi các khán giả đã mua vé và theo dõi trận đấu này; anh cho rằng dù không phải do đội Thành phố Hồ Chí Minh gây ra, nhưng tình huống tranh cãi đã làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng trận đấu và cảm xúc của khán giả.[35]

Về phía Liên đoàn bóng đá Việt Nam, họ chỉ trích cách phản ứng của các cầu thủ Long An và coi những hành động này là "không thể chấp nhận, thiếu tôn trọng khán giả, thiếu tôn trọng giải đấu".[36] Các trọng tài và cựu trọng tài tại Việt Nam cũng có những bất đồng xung quanh tình huống penalty gây tranh cãi, người thì cho là đúng, người thì nhận định trọng tài sai.[31][37] Một số tờ báo trong nước coi sự việc xảy ra trong trận đấu là một "nỗi nhục" của bóng đá Việt Nam.[38][39] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận xét hành vi cầu thủ "đứng yên không thi đấu" là "phi thể thao", "thiếu văn hóa" và yêu cầu chấn chỉnh V.League.[40] Theo nhà báo Phan Đăng, phản ứng của cầu thủ Long An là "quá xấu xí" và "nhục nhã".[41] Ngay cả một tài khoản YouTube cũng chỉ trích hành động của câu lạc bộ Long An trong phần bình luận MV ca khúc "Nơi này có anh" của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, lúc đó đang rất nổi tiếng.[42]

Không chỉ dư luận trong nước, sự việc câu lạc bộ Long An không thi đấu để phản đối quyết định của trọng tài cũng được báo chí quốc tế đề cập, từ đó làm "xấu mặt" bóng đá Việt Nam trong mắt người hâm mộ quốc tế.[43][44][45] Tờ báo Eurosport của Anh cũng như kênh truyền hình thể thao ESPN coi hành động của câu lạc bộ Long An là một "cách phản đối lạ lùng", "không thể tin nổi".[46][47] Trang Goal thì coi đây là một hành động "giận dỗi".[48] Tờ Clarín của Argentina thì dùng từ "curiosa" (tò mò, ngạc nhiên) để nói về sự phản đối mà các cầu thủ Long An đã thể hiện trong trận đấu.[49] Ngoài ra, nhiều trang tin quốc tế khác cũng đã đề cập với hàm ý "mỉa mai" sự việc của câu lạc bộ Long An.[50][51]

Án phạt và kỷ luật

Cầu thủ Huỳnh Quang Thanh, đội trưởng câu lạc bộ Long An, người bị treo giò 2 năm

Việc các cầu thủ Long An để xảy ra sự cố trên sân vận động Thống Nhất khiến cho câu lạc bộ Long An và nhiều cá nhân của câu lạc bộ phải nhận các án phạt của Liên đoàn bóng đá Việt Nam và sự khiển trách của chính quyền.[52][53] Tập thể câu lạc bộ Long An đã bị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh này khiển trách; bên cạnh đó ông Võ Thành Nhiệm, Chủ tịch câu lạc bộ Long An, đã phải xin từ chức, ngoài ra còn bị phạt tiền và cấm tham dự các hoạt động bóng đá trong vòng 3 năm.[52][54][27] Bản thân câu lạc bộ Long An cũng phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo và phạt tiền 100 triệu đồng.[54]

Về phía ban huấn luyện và các cầu thủ Long An, những án phạt cũng đã được đưa ra. Ông Ngô Quang Sang đã bị câu lạc bộ Long An cách chức huấn luyện viên trưởng,[55][56] bên cạnh đó còn bị Liên đoàn bóng đá Việt Nam phạt tiền, cấm hoạt động bóng đá trong 3 năm.[54] Đội trưởng Huỳnh Quang Thanh cũng đã bị câu lạc bộ cách chức,[56] ngoài ra còn bị Liên đoàn bóng đá Việt Nam phạt tiền và bị treo giò 2 năm.[57] Còn thủ môn Nguyễn Minh Nhựt bị câu lạc bộ Long An cắt tiền lương và tiền thưởng,[27] bên cạnh đó VFF phạt tiền và treo giò cầu thủ này 2 năm;[54][57] tuy nhiên vào đầu năm 2018, Minh Nhựt đã được giảm án sớm 1 năm.[58] Vào tháng 5 năm 2018, cầu thủ Huỳnh Quang Thanh cũng đã được Liên đoàn bóng đá Việt Nam xóa án kỷ luật.[59]

Đối với trọng tài Nguyễn Trọng Thư, dù không bị kỷ luật[60] nhưng dư luận cho rằng ông này là người quen biết và có mối quan hệ "ruột thịt" đối với Trưởng ban Trọng tài V.League khi đó là ông Nguyễn Văn Mùi.[61] Trọng tài Thư sau đó đã không được phân công làm nhiệm vụ tại lượt về V.League 2017 do "không vượt qua đợt kiểm tra thể lực".[62] Còn Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi đã bị mất quyền phân công trọng tài tại giải vô địch quốc gia kể từ vòng đấu thứ 9.[63]

Tác động

Trận thua trước câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh vòng 6 khiến Long An tụt xuống vị trí cuối cùng trên bảng xếp hạng.[64] Sau khi cách chức ông Ngô Quang Sang, Long An đã bổ nhiệm cựu cầu thủ Nguyễn Minh Phương làm huấn luyện viên trưởng.[65] Tuy nhiên, đội bóng này đã trải qua chuỗi 16 trận không thắng liên tiếp,[66][67] trong đó có trận thua 2–3 ở trận lượt về trước chính Thành phố Hồ Chí Minh trên sân nhà.[68] Chuỗi trận tệ hại khiến Long An chính thức phải xuống chơi tại giải Hạng Nhất sau vòng 24 khi để thua 2–3 trước Sông Lam Nghệ An trên sân Vinh.[69] Kể từ khi xuống hạng vào năm 2017, câu lạc bộ Long An chưa thể thăng hạng trở lại tại V.League, thậm chí đội bóng này chỉ còn là đại diện duy nhất của bóng đá miền Tây Nam Bộ tham dự giải Hạng Nhất 2023 và suýt phải xuống thi đấu ở hạng Nhì vào năm 2020.[70][71] Về phía Thành phố Hồ Chí Minh, câu lạc bộ này tuy trụ hạng nhưng huấn luyện viên Alain Fiard vẫn bị sa thải khi mùa giải còn chưa kết thúc.[72][73]

Cho đến thời điểm hiện tại, sự cố trong trận đấu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Long An vẫn được xem như một "vết nhơ" lớn của nền bóng đá Việt Nam, cùng với đó là những vấn đề cố hữu liên quan đến công tác trọng tài trong các giải bóng đá ở quốc gia này.[74][75] Báo chí trong nước đã gọi những sự việc xảy ra trong trận đấu là "trò hề trên sân Thống Nhất".[2][3][76] Những hành động của các cầu thủ Long An trong trận đấu khiến cho niềm tin của người hâm mộ cũng như giới chuyên môn vào công tác trọng tài, giải vô địch quốc gia và cả nền bóng đá Việt Nam thời điểm đó ngày càng lung lay, giảm sút.[77][78][79] Cuối năm 2017, nhà tài trợ Toyota dừng hợp đồng tài trợ cho giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam và quay sang đầu tư cho giải bóng đá vô địch quốc gia Thái Lan (Thai League 1) với mức giá cao gấp 3,75 lần so với V.League, khiến nhiều luồng dư luận và báo chí cho rằng giá trị của V.League đã giảm sút sau những vụ việc, sự cố đã xảy ra trong các trận đấu.[80][77] Vụ bê bối này cũng được bình chọn là "hình ảnh xấu nhất năm 2017" của bóng đá Việt Nam.[81]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thành_phố_Hồ_Chí_Minh_5–2_Long_An_(2017) https://www.vff.org.vn/ket-qua-vong-6-giai-vdqg-to... https://thethaovanhoa.vn/video/bong-da-viet/them-n... https://web.archive.org/web/20180522042605/https:/... https://vietnamnet.vn/su-kien/tro-he-tren-san-thon... https://tienphong.vn/tro-he-tren-san-thong-nhat-xu... https://www.vff.org.vn/vong-5-giai-vdqg-toyota-201... https://vietnamnet.vn/lich-thi-dau-luot-di-toyota-... https://www.vietnamplus.vn/14-cau-lac-bo-tham-gia-... https://web.archive.org/web/20230503010823/https:/... https://nld.com.vn/the-thao/truy-trach-nhiem-trong...